Diễn đàn lớp 11T2 THPT Đầm Dơi
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Diễn đàn lớp 11T2 THPT Đầm Dơi

Diễn đàn lớp 11T2 THPT Đầm Dơi
 
Trang ChínhTrang Chính  GalleryGallery  Tìm kiếmTìm kiếm  Latest imagesLatest images  Đăng kýĐăng ký  Đăng Nhập  

 

 thu dieu cua nguyen khuyen

Go down 
Tác giảThông điệp
Admin
Admin
Admin
Admin


Tổng số bài gửi : 87
Points : 197
Join date : 15/08/2010
Age : 30
Đến từ : dam doi hight shool

thu dieu cua nguyen khuyen  Empty
Bài gửiTiêu đề: thu dieu cua nguyen khuyen    thu dieu cua nguyen khuyen  Empty21st November 2010, 5:02 pm

[quote]Bài thơ Thu điếu của Nguyễn Khuyến
tai lieu chuan cac ban cu coppy ve ma lam bai

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Tựa gối ôm cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.


Xuất xứ, chủ đề

“Thu Điếu” nằm trong chùm thơ thu ba bài “nức danh nhất” về thơ nôm của Nguyễn Khuyến. Bài thơ nói lên một nét thu đẹp tĩnh lặng nơi làng quê xưa, biểu lộ mối tình thu đẹp mà cô đơn, buồn của một nhà nho nặng tình với quê hương đất nước. “Thu điếu” cũng như “Thu ẩm”, “Thu vịnh” chỉ có thể được Nguyễn Khuyến viết vào thời gian sau khi ông đã từ quan về sống ở quê nhà (1884).

Phân tích

1. Đề

Mở ra một không gian nghệ thuật, một cảnh sắc mùa thu đồng quê. Chiếc ao thu “nước trong veo” có thể nhìn được rong rêu tận đáy, tỏa ra khí thu “lạnh lẽo” như bao trùm không gian. Không còn cái se lạnh đầu thu nữa mà là đã thu phân, thu mạt rồi nên mới “lạnh lẽo” như vậy. Trên mặt ao thu đã có “một chiếc thuyền câu bé tẻo teo” tự bao giờ. “Một chiếc” gợi tả sự cô đơn của thuyền câu. “Bé tẻo teo” nghĩa là rất bé nhỏ; âm điệu của vần thơ cũng gợi ra sự tun hút của cảnh vật (trong veo – bé tẻo teo) – Đó là một nét thu đẹp và êm đềm.

2. Thực

Tả không gian 2 chiều. Màu sắc hòa hợp. có “sóng biếc” với “lá vàng”. Gió thổi nhẹ cũng đủ làm cho chiếc lá thu màu vàng “sẽ đưa vèo”, làm cho sóng biếc lăn tăn từng làn từng làn “hơi gợn tí”. Phép đối tài tình làm nổi bật một nét thu, tô đậm cái nhìn thấy và cái nghe thấy. Ngòi bút của Nguyễn Khuyến rất tinh tế trong dùng từ và cảm nhận, lấy cái lăn tăn của sóng “hơi gợn tí” phối cảnh với độ bay xoay xoay “sẽ đưa vèo” của chiếc lá thu. Chữ “vèo” là một nhãn tự mà sau này thi sĩ Tản Đà vừa khâm phục, vừa tâm đắc. Ông thổ lộ một đời thơ mới có được một câu vừa ý: “Vèo trông lá rụng đầy sân” (cảm thu, tiễn thu).

3. Luận

Bức tranh thu được mở rộng dần ra. Bầu trời thu “xanh ngắt” thăm thẳm, bao la. Áng mây, tầng mây (trắng hay hồng?) lơ lửng nhè nhẹ trôi. Thoáng đãng, êm đềm, tĩnh lặng và nhẹ nhàng. Không một bóng người lại qua trên con đường làng đi về các ngõ xóm: “Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”. “Vắng teo” nghĩa là vô cùng vắng lặng không một tiếng động nhỏ nào, cũng gợi tả sự cô đơn, trống vắng. “Ngõ trúc” trong thơ Tam nguyên Yên Đổ lúc nào cũng gợi tả một tình quê nhiều bâng khuâng, man mác:

“Dặm thế, ngõ đâu từng trúc ấy
Thuyền ai khách đợi bến dâu đây?”

(Nhớ núi Đọi)

“Ngõ trúc” và “tầng mây” cũng là một nét thu đẹp và thân thuộc của làng quê. Thi sĩ như đang lặng ngắm và mơ màng đắm chìm vào cảnh vật.

4. Kết

“Thu điếu” nghĩa là mùa thu, câu cá. 6 câu đầu mới chỉ có cảnh vật: ao thu, chiếc thuyền câu, sóng biếc, lá vàng, tầng mây, ngõ trúc… mãi đến phần kết mới xuất hiện người câu cá. Một tư thế nhàn: “tựa gối ôm cần”. Một sự đợi chờ: “lâu chẳng được”. Một cái chợt tỉnh khi mơ hồ nghe “Cá đậu đớp động dưới chân bèo”. Người câu cá như đang ru hồn mình trong giấc mộng mùa thu. Người đọc nghĩ về một Lã Vọng câu cá chờ thời bên bờ sông Vị hơn mấy nghìn năm về trước. Chỉ có một tiếng cá “đớp động” sau tiếng lá thu “đưa vèo”, đó là tiếng thu của làng quê xưa. Âm thanh ấy hòa quyện với “Một tiếng trên không ngỗng nước nào”, như đưa hồn ta về với mùa thu quê hương. Người câu cá đang sống trong một tâm trạng cô đơn và lặng lẽ buồn. Một cuộc đời thanh bạch, một tâm hồn thanh cao đáng trọng.

Kết luận

Xuân Diệu đã hết lời ca ngợi cái điệu xanh trong Thu điếu. Có xanh ao, xanh sóng, xanh trời, xanh tre, xanh bèo… và chỉ có một màu vàng của chiếc lá thu “đưa vèo”. Cảnh đẹp êm đềm, tĩnh lặng mà man mác buồn. Một tâm thế nhàn và thanh cao gắn bó với mùa thu quê hương, với tình yêu tha thiết. Mỗi nét thu là một sắc thu tiếng thu gợi tả cái hồn thu đồng quê thân thiết. Vần thơ: “veo - teo - vèo - teo – bèo”, phép đối tạo nên sự hài hoà cân xứng, điệu thơ nhẹ nhàng bâng khuâng… cho thấy một bút pháp nghệ thuật vô cùng điêu luyện, hồn nhiên – đúng là xuất khẩu thành chương. Thu điếu là một bài thơ thu, tả cảnh ngụ tình tuyệt bút.






Thu ẩm (Thu uống rượu )
Năm gian nhà cỏ thấp le te,
Ngõ tối đêm sâu đóm lập loè.
Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt,
Làn ao lóng lánh bóng trăng loe.
Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt ?
Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe.
Rượu tiếng rằng hay, hay chả mấy.
Độ năm ba chén đã say nhè.

Thu vịnh (Thu làm thơ )
Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao,
Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu.
Nước biếc trông như tầng khói phủ,
Song thưa để mặc bóng trăng vào.
Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái,
Một tiếng trên không ngỗng nước nào?
Nhân hứng cũng vừa toan cất bút,
Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào (*).


B ài 2:
Nguyễn Khuyến - một ông cụ Tam nguyên Yên Đổ đỗ đầu trong các kì thi chữ Hán nhưng ông lại có rất nhiều sáng tác bằng chữ Nôm. Khó có nhà thơ nào như ông để lại hơn 800 tác phẩm gồm thơ, câu đối. Và khi nói về đề tài mùa thu riêng Nguyễn Khuyến đã có chùm thơ ba bài : "Thu Vịnh", "Thu Ẩm" và "Thu Điếu". Bài thơ nào cũng hay cũng đẹp cho thấy tình yêu quê dạt dào. Trong đó "Thu Điếu", nhà thơ Xuân Diệu khẳng định là "điển hình hơn cả cho mùa thu của làng cảnh Việt Nam", là bài thơ tả cảnh ngụ tình đặc sắc: cảnh đẹp mùa thu quê hương, tình yêu thiên nhiên, yêu mùa thu đẹp gắn liền với tình yêu quê hương tha thiết.

Nếu ở "Thu Vịnh", cảnh thu đợc đón nhận từ cao xa tới gần rồi từ gần tới cao xa thì ở "Thu Điếu", cảnh được đón nhận từ gần đến cao xa rồi từ cao xa trở lại gần. Từ một khung ao hẹp, không gian mùa thu, cảnh sắc mùa thu mở ra nhiều hướng thật sinh động:

" Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẹo teo."

Vần "eo" ở hai câu đầu thể hiện sự co lại, đọng lại không nhúch nhích cho ta cảm giác lạnh lẽo, yên tĩnh một cách lạ thường. Khung ao tuy hẹp nhưng tác giả lại không bị giới hạn mà mở rộng ra nhiều chiều, trong cái se lạnh đó dường như làm cho làn nước ao độ giữa thu, cuối thu như trong trẻo hơn. Nhưng tưởng trong "ao thu lạnh lẽo" ấy mọi vật sẽ không xuất hiện, thế nhưng thật bất ngờ: Khung ao không trống vắng mà có "một chiếc thuyền câu bé tẹo teo" khiến cho cảnh thu phần nào thêm ấm cúng. Chiếc thuyền "tẹo teo" trông thật xinh xắn. Câu thơ đọc lên, làm cho đối tượng được miêu tả trở nên gần gũi, thân mật biết bao! Với hai câu mở đầu, tác giả sử dụng những từ ngữ gợi hình ảnh, tạo độ gợi cao: "lẽo", "veo", "tẹo teo" mang đến cho người đọc nỗi buồn man mác, cảnh vắng vẻ, ít người qua lại. Và rồi hình ảnh:

"Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo."

Nghệ thuật đối ở hai câu thực đặc tả về một không gian tĩnh lặng đến tuyệt đối. Mặt nước ao thu trong vắt và phẳng lặng được làn gió thu nhẹ lướt "gợn" lên những làn sóng nhỏ lăn tăn. "Lá vàng" là hình ảnh ước lệ nhưng bằng cảm giác tinh tế Nguyễn Khuyến như đo được tốc độ rơi của chiếc lá thu "rơi vèo". Ở đây tác giả đã quan sát kĩ theo chiếc lá bay trong gió, chếc lá rất nhẹ và thon thon hình thuyền, chao đảo liêng đi trong không gian rơi xuống mặt hồ yên tĩnh. Quả là một người có tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống thật sâu sắc mới có thể cảm nhận được những âm thanh tinh tế. Hình ảnh "lá rơi" làm ta liên tưởng đến hai câu thơ của Trần Đăng Khoa:

"Ngoài thềm rơi cái lá đa,
Tiếng rơi rất nhẹ như là rơi nghiêng."

Vần "eo" đã được tác giả mở rộng không gian theo chiều cao, tạo nên sự khoáng đạt, rộng rãi cho cảnh vật:

"Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo."

Từ "ao thu" tác giả đã cùng ta ngước nhìn lên bầu trời thu với những áng mây không trôi nổi giữa bầu trời mà "lơ lửng" điểm tô cho trời thu thêm xanh ngắt.

Cảm hứng Nguyễn Khuyến lại trở về với khung cảnh làng quê quen thuộc cũng vẫn hình ảnh tre trúc, vẫn bầu trời thu ngày nào, vẫn ngõ xóm quanh co... tất cả đều thân thương và nhuốm màu sắc thôn quê Việt Nam. Trời sang thu, không khí giá lạnh, đường làng cũng vắng vẻ. "Ngõ trúc quanh co" cũng "vắng teo" không bóng người qua lại. Một bức tranh thu đẹp nhưng đượm nỗi buồn.

Thế rồi trong cái không khí se lạnh đó của thôn quê, những tưởng sẽ không có bóng dáng của con người, ấy vậy mà thật bất ngờ đối với người đọc:

"Tựa gối buông cần, lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo."

Nguyễn Khuyến cũng có tâm trạng giống Nguyễn Trãi khi về ở ẩn. Ông cũng thích "câu quạnh cày nhàn". Tuy lánh trốn quan trường nhưng vẫn chờ thời để mong có cơ hội ra giúp dân, giúp nước. Như Bạch Cư Dị trong "Đi câu để chờ thời":

"Câu người không câu cá."

Nguyễn Khuyến lấy cớ bị đau mắt và cáo quan về ở tại quê nhà từ năm 49 tuổi nhưng nỗi niềm thương dân nhớ nước không lúc nào nguôi. Đó là nỗi niềm ông nhằm dành cho hai câu thơ cuối. Ông đã miêu tả mình như một ngư ông.

Hai câu kết không có chủ ngữ nhưng người đọc vẫn nhận thấy nhân vật trữ tình hiện lên rõ mồn một và không ai khác chính là cụ Tam nguyên Yên Đổ. Mùa thu ở chốn làng quê vốn rất đẹp và yên tĩnh khiến cho tác giả như mốn hoà tan mình vào không gian trong trẻo thanh cao của mùa thu. Từ "buông" mang đến cho câu thơ hiệu quả nghệ thuật rất cao.

Xuân Diệu đã hết lời ca ngợi cái điệu xanh trong "Thu Điếu". Có xanh ao, xanh trời, xanh bèo, xanh bờ ... và một màu vàng đâm ngang của chiếc lá thu "đưa vèo". Cảnh đẹp ềm đềm, tĩnh lặng mà man mác buồn. Mùa thu ở thôn quê chẳng có gì xa lạ, nó chính là cái hồn của cuộc sống, cái duyên của nông thôn. Vần thơ: "veo-tẹo-vèo-teo-bèo", phép đối tạo nên sự hài hòa cân xứng, điệu thơ nhẹ nhàng, bâng khuâng ... cho thấy bút pháp nghệ thuật vô cùng điêu luyện, hồn nhiên - đúng là xuất khẩu thành chương. "Thu Điếu" là một bài thơ thu, tả cảnh ngụ tình tuyệt bút, đã đọc qua một lần thì khó mà quên được.

B ài 2

Hai câu đầu (câu khai) vẽ lên bối cảnh của toàn bài. Sách Gia Ngữ nói: “Thủy chí thanh tắc vô ngư”, nghĩa là “nước trong veo” thì không có cá, thế mà Nguyễn Khuyến, giữa trời thu lạnh lẽo, lại nhè lúc “nước trong veo” mà ngồi thuyền đi câu, thì thật là thất thế, là làm một việc khó khăn, ngược đời. Vậy, đặt tựa bài thơ là “câu cá mùa thu”, mà mới vào đầu bài đã cho thấy cái việc câu cá đó là chuyện gần như không thể đạt được thành quả, thì chẳng phải là đã vạch rõ cho ta thấy cái tình cảnh ngặt nghèo rất mực của tác giả rồi đó sao ? Nhà Nho Nguyễn Khuyến, đỗ đạt vào bậc nhất thời đó, làm quan to, nhưng trước cảnh nước mất, phải từ quan, về dạy học, nhìn ngoại nhân hoành hành, vua quan bạc nhược, chỉ biết theo Pháp cầu an, đã thấy rõ là cái hoài bão giúp dân giúp nước của mình, thật khó khăn, gần như vô vọng, chẳng khác nào cảnh “câu cá nước trong” được đề ra ngay từ câu đầu vậy.
Câu hai “một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”, tựu trung chỉ làm rõ thêm cái ý của câu đầu. Thuyền trong ao thì đâu phải thuyền “bé tẻo teo” đối với ao ? Thuyền bé tẻo teo đối với mặt hồ rộng lớn, đối với biển cả mênh mông, thì còn có lý, chứ cái ao tự nó đã bé, thuyền đối với ao thì có chi mà phải bảo là “bé tẻo teo” ? Vậy, thuyền đây chính là cái thân phận của Nguyễn Khuyến, và chiếc thuyền ấy thật là “bé tẻo teo” đối với cảnh vật, Đất Trời, bao la, cũng như thân phận của tác giả “be tẻo teo” đối với cái thời thế thiên nan vạn nan phủ trùm lên ông vậy.
Hai câu ba và bốn, còn được gọi là câu “thừa” (thơ Đường Luật gồm 2 câu khai, 2 câu thừa, 2 câu chuyển và 2 câu hợp, hay thâu). Hai câu “thừa” này thừa theo cái bối cảnh khó khăn vừa được phác họa trong hai câu đầu, mà đưa ra hai thái độ xử thế trước bối cảnh ấy :
“Sóng nước theo làn hơi gợn tí” tả cảnh mặt nước gợn sóng theo làn gió thổi. Nhưng, mặc dù gợn sóng, trong chiều sâu, nước vẫn là nước, ao vẫn là ao, không hề lay động, không hề suy suyển. Đó chính là thái độ của bản thân mình mà tác giả muốn được người đời thông cảm : trước thời thế khó khăn, ông đã phải từ quan, đã phải ngồi yên, thậm chí có lúc đã phải vào dạy học trong Dinh của ông quan thân Pháp Hoàng Cao Khải, nhưng, những điều đó chẳng qua chỉ là những gợn sóng, theo làn gió thổi mà thôi, chứ trong thâm tâm, trong chiều sâu, ông vẫn là ông, vẫn giữ vững hào khí của người quân tử, vẫn mang nặng lòng trung thành với tổ quốc.
Ngược lại,
“Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo”
là một thái độ mà Nguyễn Khuyến chối bỏ. Thật vậy, tuy cùng phản ứng trước làn gió thổi, nhưng nếu gợn sóng chỉ là một hiện tượng bề mặt, trong khi căn bản vẫn y nguyên, thì “lá vàng” hoàn toàn ngược lại. Lá vàng đã bị bứt khỏi cành cây. Nó chỉ còn biết phất phơ theo gió thổi, gió đưa về đâu thì nó về đó, để rồi rốt cuộc sẽ mục nát trên mặt đất. Từ khi lìa khỏi cành cây, “đưa vèo” theo gió, lá vàng đã không còn là một thành phần của cây nữa, khác với “sóng nước”, lúc nào cũng vẫn là nước, là thành phần của ao, của hồ, của sông, của biển. Vậy, hai câu ba, bốn, là lời tự bạch của tác giả : ta là sóng, gợn theo gió, nhưng lòng trung với “nước” vẫn không hề suy suyển, chứ chẳng phải như lá vàng kia, lìa căn bỏ cội, phải chịu hoàn toàn lệ thuộc ngọn gió, để rồi mục nát trên mặt đất mùa thu...
Câu năm và câu sáu :
Từng mây lơ lửng trời xanh ngát
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo
tức hai câu “chuyển”, được dùng để đưa cái tâm trạng vừa biện bạch ở trên vào trong bối cảnh tâm lý chung của người thời đó. Ở trên nói đến gió, đến lá vàng là trình bày tâm trạng riêng tư của tác giả đối với những ép buộc của thời thế. Còn hai câu năm và sáu thì cho biết tâm trạng và thái độ của những người khác đối với tâm trạng của tác giả. Tại sao giữa muôn ngàn vạn triệu cảnh vật mùa thu mà Nguyễn Khuyến lại chọn nói đến “từng mây lơ lửng trời xanh ngắt”, với “ngõ trúc quanh co khách vắng teo”, nếu không phải chỉ để nêu lên nỗi niềm cô đơn của mình, trước sự thờ ơ, nhạt nhẽo, hay rẻ khinh, chế diễu của kẻ đương thời ? (xem “ông phỗng đá") Ôi, trời xanh ngát, chỉ có một “từng mây lơ lửng”, cô đon, chẳng biết cùng ai chia sẻ cái nhìn thế sự. Rồi ngõ trúc kia , nhìn mà xem, nó cũng vắng teo, chẳng một ai thèm mang đến cái hoài bão của người Nho Sĩ nhiệt tâm nhưng thất thế. Câu chuyện “câu cá nước trong”, câu chuyện “sóng nước” với “lá vàng”, nói ra mà làm chi, mấy ai hiểu, mấy kẻ cảm thông ? Tả cảnh, nhưng trong cảnh là tình, chỉ biết có cảnh mà bỏ mặc tình thì có phải là tội cho nhà thơ lắm lắm hay không ?
Trong hai câu chót còn được gọi là thâu, hạy hợp, thật ra chỉ có câu thứ 7
“Tựa gối ôm cần lâu chẳng được”
là thực sự “thâu tóm” tình cảnh của toàn bài mà thôi. Toàn thể sáu câu trên kết tụ trong sự đợi chờ “tựa gối ôm cần” của người câu cá, như Nguyễn Khuyến đã có lần tâm tình trong “Tự Thọ” :
Cũng muốn sống thêm dăm tuổi nữa
Thử xem Trời mãi thế này ư ?
Ta nhận xét : ông không nói “đời”, mà nói “Trời”, cái ý đã rõ. Sự thay đổi sẽ đến từ Trời, và từ điều mà nhà Nho nghĩ là tượng trưng cho “luật Trời”, tức từ cái Thời. Vì thế, đợi ở đây là đợi thời, đợi Thiên Thời. Hệ Từ của Dịch Kinh có nói :“Quân Tử đãi thời nhi động” (người quân tử đợi thời mà hành động). Thật vậy, có thời để hành động, nhưng cũng có thời phải ngồi yên, như mấy câu trích trong bài thơ của một tên thi sĩ cà chớn :
Tử Nha rung gối chờ câu động
Phù Đổng vươn vai tỏ chí cao
Tắc Hạ quy về ôn cố sử
Lam Sơn xuất trướng dựng tân trào
(Tắc Hạ là nơi rất nhiều học sĩ thời Chiến Quốc quy tụ về học hỏi trao đổi)
Vậy, chờ đợi là một cung cách xử thế của nhà Nho, và là một thái độ tích cực, có thể phần nào ví như sự đợi chờ của người câu cá, lúc nào cũng sẵn sàng ứng biến. Không chừng khi vẽ lên cảnh đợi chờ này, Nguyễn Khuyến đã nghĩ đến một ông câu lừng danh ở thời Cổ, là Khương Tử Nha, câu cá đợi thời đến rất già (80 tuổi ?) mới ra tài giúp sức lập nên nhà Chu ?
Câu cuối :
“Cá đâu đớp động dưới chân bèo”
đem tất cả những tình cảnh của toàn bài vừa được gồm thâu trong câu :
“Tựa gối ôm cần lâu chẳng được”
mà đặt vào trong một niềm tin, niềm tin nơi chính nghĩa, để đưa người đọc đến một kết luận đầy hy vọng. Đó là: dù cho thời thế khó khăn, dù cho người đơi thờ ơ, dù cho đã chờ “lâu chẳng được”, nhưng, thoang thoảng đâu đây nghe như có tiếng cá đớp động dưới chân bèo, tựa hồ như có dấu hiệu gì của thời cuộc chuyển biến...Hai câu đầu nêu lên một thực tế khách quan, trong khi hai câu cuối đưa đến một niềm tin chủ quan, và trong khi ta đang thấm dần vào cái khung cảnh gẩn như không có lối thoát của bài thơ, thì tác giả đã đột ngột kết thúc bằng một câu cuối đậm màu hy vọng, phủ tràn lên những bi quan của các câu trước. Bài thơ như một vở kịch, đang bế tắc thì thình lình một cái gì bất ngờ xảy đến giải quyết tất cả. Thật khéo. Và cũng thật bổ ích cho những ai đồng cảnh ngộ...
[\quote]
Về Đầu Trang Go down
http://teendamdoi.co.cc
 
thu dieu cua nguyen khuyen
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» van te nghia si can giuoc (nguyen dinh chieu)

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Diễn đàn lớp 11T2 THPT Đầm Dơi :: Tài liệu học tập :: Các mon khoa học,xã hội-
Chuyển đến 
Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Cookies | Thảo luận mới nhất